Index

Label 6

Video Category 1

Label 3

Topics :

Label 5

Label 4

Được tạo bởi Blogger.

Bài đăng phổ biến

Latest Post

Làng quê Việt nam


















Xúc cảm mùa xuân


Đất trời đang mặc chiếc áo mới cho trần gian. Con người cũng thay chiếc áo mới cho mình. Chiếc áo khoác trên đôi vai sau một năm oằn gánh công việc. Chiếc áo phủ lên tâm hồn ít nhiều khói bụi thế nhân.

Nàng xuân cũng đang đến với tấm áo hoa sặc sỡ ngan ngát hương thơm. Như bao chiếc lá mai xanh phải rứt lìa cành để có những cánh hoa vàng rực rỡ, con người cũng phải trút bỏ những nỗi buồn, những lo toan để hướng về năm mới với niềm an vui và hi vọng.
Con người luôn chạy đua với thời gian. Thời gian cũng không đợi con người. Một trăm năm của thời đại ngày nay sao mau quá. Trái đất già nhưng mùa xuân mỗi năm vẫn trẻ, trong khi con người lớn lên sẽ mất dần mùa xuân. Thuở nào mùa xuân cho ta thêm tuổi trưởng thành, bây giờ mùa xuân đang đốt dần tuổi ta. Có lúc tự hỏi, đời ta còn lại gì phía sau mùa xuân. Một năm, mười năm, rồi sáu mươi năm; bao nhiêu người ta đã gặp, đã quen, đã thương yêu; bao nhiêu vùng đất ta đi qua đã cảm, đã nhớ, đã để lại kỉ niệm trong lòng; bao nhiêu việc ta đã làm, đã thành hoặc bại, còn sót lại trên đời hay đã tan biến đi... Có người ví cuộc đời như một giấc mơ, và ai cũng thích cuộc đời mình là một giấc mơ đẹp. Như vậy ta phải sống đẹp, phải giữ mùa xuân vĩnh cửu trong tâm hồn. Tất cả rồi sẽ chôn vùi trong cát bụi, chỉ còn cái đẹp như một cành hoa bất tử sống mãi giữa trần gian.
Đứng giữa sương mai của một ngày, giữa đêm trăng sáng của một mùa, giữa màu hoa đẹp nhất của một năm; ta nhìn lại một chặng đường, một quãng đời; và thú vị biết bao khi ta làm được những điều ta thích, những điều ta mơ. Ta lại nhìn lên phía trước, những khát vọng, những hoài bão đang tiếp tục mở ra ở chân trời mới...
Ta ao ước mọi cuộc đời, mọi con người đều sống đẹp, đẹp cho mình và đẹp với nhau, như vầng trăng nguyên tiêu luôn sáng trong trên bầu trời năm mới.

Bếp trong ký ức của tôi

Ngày Tết đã gần kề ngoài bậu cửa, nói một cách thú vị hơn, với lên là ta có thể nắm mùa xuân trong lòng tay rồi, vậy mà giữa nhịp sống ồn ào của phố xá, tôi lại nhớ những ngày sắp Tết của ấu thơ mình ngày xưa. Ở ngày đó, thời điểm này thì rộn ràng lắm, tôi nhớ chỗ nấu cơm của gia đình, một chái bếp làm nơi đặt mấy ông táo mẹ tôi tự làm bằng đất được nằm kề căn nhà gỗ mà cột của nó được đặt trên mấy viên đá to, vuông vuông ấy...
Chẳng lẽ mới đó mà đã xa lắc xa lơ rồi sao? Hơi lạnh của những cơn gió chướng cuối mùa như thế này, gió sẽ mang theo mùi hương phảng phất của những món bánh, mứt mẹ đã dạy tôi làm từ ngày bé, tất cả mọi công đoạn chuẩn bị thì sẵn sàng rồi, khi nướng bánh hoặc "sên" mứt thì đều diễn ra ở đó: Chái bếp quê xưa. Nhắc lại nghe sao mà thân thương đến chạnh lòng hở bạn? 
Có thể, bạn được sinh ra và lớn lên quen hơi phố xá, thị thành; còn tôi, tôi được gối đầu lên những câu ca dao, dân ca qua giọng ru hời ngọt ngào của bà, của mẹ; tôi được hít thở và ngắm nhìn thỏa thích màu khói như sương len mỗi buổi chiều quê rơm rạ, chái bếp đó là tôi từng được Ông "phân công" đứng hơ lửa cho nóng những thanh tre, trúc khi Ông tôi vừa vót xong để đan lợp; là nơi thuở tôi điệu đàng tuổi 15, 16 đem gáo dừa khô đốt lên cho nóng và dùng đôi đũa sắt gắp vào chiếc bàn ủi có con gà một chân khóa chốt để ủi quần áo; là nơi mà tôi đã làm nhiệm vụ không có một ai thay thế được, đó là mỗi sáng sớm nấu một ấm nước sôi để Ông tôi uống trà... 
Thưa bạn! Những ngày cuối cùng của năm cũ đang vội vàng lao nhanh trong vòng xoáy của thời gian gấp gáp, không biết bạn đang nghĩ gì? Còn tôi, tôi thèm cái cảm giác được tất tả cùng mẹ làm những món bánh mứt trong không gian nhỏ bé của chái bếp như thuở nào. Thậm chí, có khi vừa làm vừa thút thít vì mưa dầm củi không khô được, khói làm cay mắt quá. Mà bạn biết rồi đó, thời tiết thất thường như thế làm sao củi khô và bén lửa được? Viết làm sao cho nói hết nỗi nhớ thương đây?
Còn gì ở chái bếp quê nữa không mà thương đến vậy? Còn nhiều thứ lắm, những món bánh mứt thì dễ hơn rồi, ví như nhớ là có thể chạy ào ra chợ mua ngay thôi, giá nào cũng có, món gì cũng có, thượng vàng hạ cám... Nhưng, ở chái bếp quê đó, tôi đã làm một cuộc tiễn đưa, mấy năm nay rồi, nơi ấy không còn tiếng Ông của tôi. Ký ức về Ông không thể phai mờ trong tôi được, bởi ngày bé, khi thay răng sữa, Ông đã cột sợi chỉ dài nối chiếc răng non sắp rụng của tôi với tay nắm của chiếc cối xay bột, chỉ cần nửa vòng quay thôi, chiếc răng đã rơi ra kèm theo một ít máu, nhưng lúc đó tôi đã cảm thấy rất thú vị, quên luôn cả đau. 
Tất cả mọt thứ đã có trong chái bếp quê ngày xưa cứ cựa quậy trong tôi rất nhiều cảm xúc. Ở nơi ám khói đó, lần về quê gần đây nhất của tôi, vẫn còn cái quạt mo cau mẹ luồn sâu trong vách lá để quạt lửa cho kịp bữa cơm chiều khi cha từ đồng muộn trở về. 
Mà, cái tiết trời vội vội vàng vàng cuối năm, cận kề ngày Tết thế này , ở chái bếp ngày xưa đó, mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một hũ dưa cải được làm bằng nước cơm vo trắng tinh dậy mùi chua thơm phưng phức, ngay chiều 29 thì mẹ tôi đã đặt cái lò bằng đất nung xuống nền nhà để kho nồi thịt kho tàu. Trước đó, đêm 28 mẹ và mấy anh em tôi đã thức gói xong bánh chưng rồi, có lẽ phía bên ngoài chái bếp, nồi bánh đang được em tôi trở lửa cũng nên. Tất cả đều chuẩn bị sẵn để sáng 30 mẹ nấu mâm cơm cho cha đốt nhang khấn vái đón tổ tiên
Tuổi thơ nghèo khó mà trong lành đã đi qua những năm tháng đầu đời tôi như thế đó. Vẹn nguyên  ký ức nơi chái bếp quê xưa như tôi đã kể với bạn, từ cái cối xay bột đến cây dao mác vót của ông, từ bữa cơm rau đến thịt mỡ dưa hành ngày Tết của mẹ, tất cả đều có chung một nơi bắt đầu, nhưng tôi lại thích chữ nguồn cội hơn. Vâng! Tất cả đều có chung nguồn cội : Cái chái bếp thương yêu đến chảy tràn nước mắt ấy là nơi nuôi nấng ấu thơ của tôi và cả em tôi nữa... Ngay lúc này, ngày cuối năm, tôi thèm được mẹ quất mấy roi vào mông vì cái tội lì lợm. Mà, cha tôi cũng thiệt là kỳ, cây roi đó đó, lại vắt ở nuông vách trên cùng trong cái chái bếp , vắt hơi cao một chút, như cái hồi nhỏ của tôi, không bao giờ với lên lấy được...

Hương vị quê hương


Đường làng quê tôi
Có dịp về vùng nông thôn vào mùa gặt, bất kỳ ai đều không khỏi động lòng trước những cánh đồng lúa chín trải thảm vàng óng. Còn với tôi, dù xa quê đã lâu, màu thời gian có phai nhưng mùi lúa chín, mùi rơm rạ vẫn quyện mãi như một ký ức đẹp không thể phai mờ.Ngày mùa - đó là những gì người dân quê tôi mong ngóng, đợi chờ sau bao ngày lao động vất vả nhọc nhằn. Bà con dậy sớm gặt lúa, kịp đón những hạt thóc vàng đầu tiên. Họ hăng hái ra đồng đông vui như ngày hội. Những bông lúa uốn cong, trĩu hạt nhờ bàn tay thô ráp, nhưng cũng đầy khéo léo của người nông dân dần được cắt rời khỏi gốc rạ, bó gọn gàng. Rồi những xe chở lúa chất cao ngất nối đuôi nhau từ các ngả đi vào làng. Chỉ dăm ba ngày sau, người gặt lúa vãn hẳn, tấm thảm lúa vàng từng ngày, từng ngày cũng thu nhỏ dần. Ngoài cánh đồng, chỉ còn lại những đụn rạ dựng thành hình chóp nón phơi cho mau khô tạo nên bức tranh quê sống động và đẹp đến lạ kỳ.
Ngày mùa, khắp thôn làng vang rền tiếng máy nổ. Những hạt thóc chắc nịch, vàng óng tuôn ra đều đặn. Từ bé, tôi đã hiểu để có được một hạt thóc vàng ấy phải đổi bằng bao nhiêu giọt mồ hôi trên áo người nông dân. Nhiều bữa ăn, bà thường bảo: “Khi ăn cơm, cố gắng đừng để rơi vãi một hạt nào, khó nhọc lắm người nông dân mới làm ra được; sau này lớn lên, học hành thành đạt, các cháu cũng đừng bao giờ chê hạt lúa, rơm rạ quê mình vì bao đời nay nó nuôi sống con người đấy”. Quả thực, xưa kia rơm rạ đối với người nông dân cũng quý như hạt thóc, củ khoai. Ðến mỗi mùa gặt, nhà nào cũng có người ngồi cặm cụi nhặt từng bông thóc nếp to mẩy, dùng bát ăn cơm cạo lấy hạt để làm giống cho vụ sau. Rơm nếp được bó gọn, phơi khô để lên gác bếp cho vàng óng, đợi đến ngày rảnh rỗi đem ra chuốt từng sợi bện thành những chiếc chổi quét nhà. Rơm nếp còn được người dân quê tôi dùng để bó mạ, bó rau, đốt lấy tro để cắn chân hương vào đúng ngày 23 tháng Chạp âm lịch.
 Ngày mùa, khắp sân nhà, sân kho tràn ngập rơm vàng quyện hương lúa mới thơm nồng. Rơm nhiều đến nỗi bện cả vào chân, quấn vào bánh xe đạp cản lối người đi. Từng bó rơm “ngồi chễm trệ” trên hàng rào. Lũ trẻ chúng tôi tha hồ chơi đùa nằm lên rơm phơi dưới ánh nắng chói chang, lấy rơm trùm lên người chơi trò trốn tìm. Sau mùa gặt, trong góc vườn mỗi nhà đều có một, hai cây rơm, đống rạ chất cao ngất giống như “của để giành” quý giá. Những bó rạ dài, cứng được chọn để lợp mái nhà, mái bếp, rơm vàng làm thức ăn cho trâu bò, làm nùn rơm để sưởi ấm, còn lại dùng làm đồ đun, bỏ vào chuồng lợn để làm phân bón lúa…
Xưa kia, cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn, không phải nhà nào cũng có đệm êm, chăn ấm như bây giờ. Mỗi lúc gió lạnh tràn về, nhiều nhà lại chọn rơm vàng bện thành những ổ rơm nằm vừa ấm vừa êm. Việc đun nấu hàng ngày ở nông thôn tất tật đều dùng rơm rạ, củi, lá cây nên rơm rạ dù nhiều bao nhiêu cũng không đủ. Nếu ai đã từng sống ở vùng quê nghèo, chắc hẳn sẽ nhớ những ký ức cùng chúng bạn đi chăn trâu, cắt cỏ, mót lúa, mót khoai, đến mót rạ về đun. Ðội quân “mót rạ” chủ yếu là người già, trẻ nhỏ tản đi khắp cánh đồng, rạ khô, rạ ướt đều quý cả. Mọi cọng rạ vương vãi trên đồng, bờ lớn, bờ nhỏ, triền đê đều được thu gom thành đống, bó gọn đem về nhà. Ðến khi những đống rơm rạ được “xây” nhọn dần thì ruộng ngoài đồng cũng “sạch bóng” chỉ còn trơ gốc rạ.
Trước đây, tôi thích nhất mỗi sáng sớm được nhìn mấy chú gà trống choai nhảy tót lên nóc đống rơm cất vang tiếng gáy, buổi chiều nhìn cảnh gà mẹ và đàn con cục cục… quanh đống rơm tìm mồi; vào những ngày mùa đông rét mướt được đun bếp bằng rơm vàng, những sợi rơm hong khô, cháy đều, tỏa hương thơm nồng. Tôi vẫn còn nhớ vào những hôm mưa dầm, gió bấc, bếp dột, rơm ẩm, nhóm mãi lửa không cháy lên được khiến mặt mũi nhem nhuốc, mắt cay xè. Giờ đây, khi mỗi lần mẹ gửi bao gạo mới lên sau mỗi mùa gặt, bưng bát cơm trắng ngần đưa lên môi, trong tôi bỗng trỗi dậy về sự thảo thơm của người mẹ quê và hương vị của cánh đồng làng đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn, trưởng thành.
Mấy hôm trước về làng vào đúng ngày mùa, tôi cảm nhận niềm vui được mùa lộ rõ trên nét mặt của mỗi người dân quê. Mọi thứ vẫn sôi động, tấp nập, tiếng nói cười rộn rã, lúa thóc phơi kín sân nhưng rơm vàng thì dần vắng bóng, đưa mắt kiếm tìm mãi mới thấy vài cây rơm thấp lè tè để nơi vệ đường. Những ngôi nhà mái bằng, cao tầng xây kiên cố đã thay cho những nhà lợp rạ năm xưa. Cũng chẳng còn người nào bỏ thời gian, đủ lòng kiên nhẫn ngồi nhặt từng bông lúa nếp, cạo thóc lấy rơm để bện chổi như ngày xưa nữa. Ngoài cánh đồng, người dân để rơm rạ vương vãi khắp chốn, chất thành đống cao đốt lửa cháy bùng bùng, khói bụi mịt mù, không khí ngột ngạt, khó chịu, hiếm còn có người nào quý cọng rạ, bó rơm như ngày xưa nữa. Khi nhìn cảnh mọi người thi nhau đốt: trên bờ, dưới ruộng, đường giao thông hay bất cứ chỗ nào có thể đốt được, trong lòng tôi thấy xót thương cho những cọng rạ mình đã gắn bó suốt thời “nghèo khó” năm xưa
.

Ổ rơm của bà

Ngày trước, cứ vào cữ tháng mười âm lịch, sau khi gặt hái xong, bà tôi lại chọn những mẻ rơm được nắng, phơi thật kỹ, lật đi lật lại rồi bó thành từng bó cất đi. Rơm thơm, đượm hương lúa mới, vàng óng ả. Khi trời đông tháng giá, bà đem rơm trải vào góc nhà thành một chiếc giường, trên trải chiếc chiếu đôi. Người dân quê tôi gọi đó là ổ rơm.
Trong ký ức của tuổi thơ tôi, chiếc ổ rơm thật gần gũi, thân quen, tạo cảm giác bình yên trong cuộc sống. Bọn trẻ tha hồ quần thảo, nô đùa, thi "lộn tùng phèo” trên chiếc ổ rơm bình dị, có ngã cũng không đau. Rơm bồng bềnh, bồng bềnh... Tôi có cảm giác như ở trạng thái không trọng lượng rồi chìm dần vào giấc ngủ sâu. Mùa đông giá buốt, sướng nhất là được cuộn tròn trong ổ rơm.
Cái ổ rơm của bà ở góc nhà đã bao lần đón những đoàn dân công về ở trọ để đắp lại khúc đê vừa bị cơn bão tàn phá. Dễ đến 4-5 người chen chúc. Tiếng nói cười vui vẻ. Cái tình quê, tình người càng ấm áp, sâu nặng. Hơi ấm ổ rơm như xua đi sự lạnh lẽo, buốt giá của từng đợt gió mùa Đông Bắc. Vào những ngày nắng, bà đem rơm ra ngoài sân phơi lại, rũ thật kỹ cho rơm được thơm tho. Ổ rơm có phần như hao đi, mỏng hơn. Bà lại trải thêm rơm mới...
Tôi thu mình lại, nằm gọn trong ổ rơm như con tằm nằm trong cái kén. Hơi rơm mới nồng nàn đượm mùi nắng. Hơi thở của đất trời, của đồng quê hòa quyện vào những sợi rơm vàng óng ả, nuôi dưỡng, nâng đỡ tuổi thơ tôi!
Giờ đây, cuộc sống của người dân quê tôi đã được cải thiện, nhà nào cũng mua sắm được đệm mút, đệm bông để nằm, vừa êm ái, vừa văn minh, lịch sự. Nhưng mỗi khi có đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, trời lác đác mấy hạt mưa, nằm trên chiếc đệm mút bồng bềnh, ấm cúng, tôi lại chạnh lòng nhớ hơi ấm ổ rơm.

Mảnh hồn quê Ứng Hòe

Cây rơm làng quê Việt

Trở về với bất cứ một miền quê nào đó ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh thân thuộc những cây rơm được chất đâu đó nơi góc sân, cạnh con ngõ, hay ở góc vườn. Rơm là phụ phẩm từ cây lúa sau khi đã tuốt sạch thóc, được phơi khô đánh đống và dùng để làm chất đốt trong nấu nướng, trong sinh hoạt hàng ngày. Rơm khô còn là nguồn thức ăn chính, là vật dụng ủ ấm của trâu, bò trong những ngày tháng mùa đông giá rét…


Quê tôi, một vùng nông thôn thuần nông của vùng Đồng bằng Bắc bộ nên làng tôi nhà nào cũng có cây rơm to tướng. Nhà tôi cũng không là ngoại lệ khi cứ sau mùa gặt là cây rơm lại to cao ngất ngưởng. Ngày trước, cứ nhà nào có cây rơm to là thể hiện sự no đủ, giàu có bởi lẽ nhà đó làm nhiều ruộng, cấy nhiều lúa thì đống rơm mới to, thóc đầy bồ, và dĩ nhiên là sẽ có gạo ăn quanh năm.


Cây rơm nhà tôi luôn to, cao nhất xóm và hầu như chẳng mấy khi nhà hết chất đốt, mặc dù tất tật các thứ đun nấu đều sử dụng đến rơm. Một năm có hai mùa lúa và cũng tương ứng với hai lần cây rơm được vun đống mới. Cây rơm nhà tôi được cất ở góc sân trước nhà. Mẹ bảo, từ thời ông bà nội tôi còn sống chỗ đó đã được sử dụng làm chỗ chất rơm, bởi nó gần gian bếp, giếng nước, và khá tiện dụng cho việc lấy rơm mang vào bếp để đun nấu.

Mùa gặt đến, sau khi những đụn lúa gặt ở ngoài đồng về được tuốt sạch những hạt thóc thì rơm được mang ra ngõ phơi. Công việc phơi rơm khá vất vả khi phải rắc rơm đều ra khắp mặt ngõ. Rồi thì, cứ một khoảng thời gian nhất định, tùy theo có nắng nhiều hay không, mà dùng gậy lật mặt dưới của các mảng rơm sao cho rơm khô đều. Nếu trời nắng to mà phơi ở những chỗ không có bóng cây che thì mẻ rơm chỉ hai nắng là khô và mang chất lên đống được. Nếu là những hôm râm trời, ít nắng thì có khi phải mất 3, 4 hôm mới phơi xong một mẻ. 
Cây rơm nhà gắn liền với tôi suốt cả một thời tuổi thơ, khi không có ngày nào là tôi không phải ra đó để rút rơm mang vào bếp nấu nướng. Gian bếp nhà tôi chật chội nên chỗ chứa rơm chỉ đủ cho việc đun nấu bữa một. Những năm học cấp 1, cấp 2 là khoảng thời gian tôi gần gũi cây rơm hơn bao giờ hết. Hầu như một tháng có 30 ngày thì có đến 25 ngày tôi phải nấu cơm, đun nước, vì thế chả có ngày nào là tôi không phải ra cây rơm để rút rơm mang vào bếp. Đó còn chưa kể, những buổi tối trước khi đi ngủ mẹ thường sai tôi ra rút ôm rơm to mang vào cho trâu ăn, hay rải ổ cho đàn lợn nằm ở những tháng mùa đông giá rét… Rồi nữa, trò chơi trốn tìm buổi tối quanh chân cây rơm của trẻ con quê cũng là kỷ niệm đẹp khó mờ phai trong tôi. 
 Vẫn biết rằng, làng quê trong đà đô thị hóa đã đủ đầy, sung túc hơn là điều mừng. Thế nhưng, khi trở về quê nhà không nhìn thấy cây rơm nơi góc sân trước nhà tôi như thấy thiếu thiếu một cái gì đó, bởi hình ảnh của nó không bao giờ có thể mờ phai trong ký ức, vì nó quá đỗi thân thuộc và đã đi cùng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ khi gia đình còn nghèo khó

Sự hình thành của Làng quê Việt Châu thổ sông Hồng

Làng Việt cổ đồng bằng châu thổ sông hồng


Tự ngàn xưa, cư dân Việt cổ đã lần lượt chinh phục đồng bằng sông Hồng và khống chế thế lực thủy một cách thắng lợi, để chung sống và bắt thế lực thủy phục vụ làm lợi cho con người.
Hơn hai ngàn năm nay, dọc hai bên triền sông Hồng là làng quê trù phú, đê bao quanh uốn theo các dòng chảy; làng xóm ruộng đồng quanh năm tươi tốt. Hơn hai thiên niên kỷ nay con cháu người Việt cổ bám trụ vững vùng đồng bằng sông Hồng, đó là điều diệu kỳ, nhưng có mấy ai biết người xưa đã vất vả và điêu đứng thế nào để có được như ngày nay.
Lịch sử - sử sách, chẳng ghi chép lại thực trạng này, cũng có thể đã có người ghi chép nhưng nay không còn. Nhưng dù sao thì chính người Việt cổ đã ghi chép lại kỳ tích chinh phục đồng bằng sông Hồng, qua hàng loạt chuyện kể và truyền thuyết. Kể từ chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Chiến tranh Hùng Vương - Thục Vương, Truyện cổ nỏ thần, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Mai An Tiêm… Những chuyện kể vừa dẫn muốn chuyển đến cho các thế hệ mai sau kỳ tích chinh phục đồng bằng sông Hồng của tiền nhân, không bằng biên niên lịch sử, mà bằng hình tượng văn học dân gian  - vốn là kênh chở tải hữu hiệu nhất lịch sử cho con cháu.
Cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng bắt đầu từ việc cư dân cổ rời bỏ cuộc sống hang động ở rừng núi (như hang động núi đá vôi vùng Hoà Bình) tiến xuống cư trú tại xứ sở sông nước mênh mang này, mà dấu tích của họ được các nhà khảo cổ học phát hiện trong suốt thế kỷ XX đến nay là những minh chứng thuyết phục. Và khi cư dân cổ dừng chân được ở vùng cao (tức vùng trung du) của châu thổ sông Hồng, họ bắt đầu cuộc chung sống với sông nước để dần dần chinh phục nó một cách tuyệt mỹ.
Khởi đầu cuộc chinh phục lưu vực sông Hồng, được phản ánh trong truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, tích chuyện nói về cuộc hôn nhân của hai người có 2 xuất xứ khác nhau là rồng lấy tiên và sinh ra 100 người con; sau vì không hợp nhau, Lạc Long Quân dẫn 50 người con về vùng sông nước sinh sống, còn Âu Cơ cùng 50 người con ở lại vùng cao.
Nơi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ tục truyền ở vùng Phú Thọ. Ngày nay ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ còn đền thờ Âu Cơ, như chứng tích của cuộc hôn nhân được truyền tụng đã hơn 3 thiên niên kỷ. Lạc Long Quân cùng 50 người con đi về biển và sự trở về cội nguồn này phản ánh một hiện tượng lịch sử là họ bắt đầu cuộc đổ bộ vào vùng châu thổ. Nhưng cuộc đổ bộ như thế nào thì không có bất kỳ một dấu tích và minh chứng để lại, chỉ biết sau này trầm tích của nhiều làng vùng đồng bằng Bắc Bộ, khi kể về thần thành hoàng đều nói vị thần là 1 trong 50 người con cùng Lạc Long Quân về trấn giữ đất này (mà thường ở cửa sông biển, nơi có những dòng chảy nguy hiểm). Dường như các chàng trai con của Lạc Long Quân đã biết chung sống với sông nước, mà nhiều người trong họ được suy tôn là thuỷ thần, trấn giữ các đoạn sông biển, cứu nguy cho thuyền bè qua lại và những ai bị thuỷ nạn. Tất nhiên thuỷ tai vẫn thường xuyên rình rập chưa có cách gì có thể khống chế được.
Cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng và chế ngự thuỷ tai, có lẽ gay go nhất được phản ánh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Người đời dựng nên nghịch cảnh, hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến với công chúa của Vua Hùng Duệ Vương tên là Ngọc Hoa, vua ưng cả hai chàng mà không biết chọn ai, bên thách đố sáng sớm ngày nọ, ai mang đến trước voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao làm sính lễ thì được làm phò mã. Và Sơn Tinh đã đến trước Thuỷ Tinh rồi rước Ngọc Hoa về Ba Vì. Với tình tiết này, chứng tỏ lúc đó thế lực núi đã thắng thế lực sông nước, chính ý đồ của Vua Hùng lại chọn 3 loài vật ở núi (không phải sông nước) nên Sơn Tinh chiến thắng là logic.
Lại nữa, sau khi mất Ngọc Hoa. Kết cục Thủy Tinh thua, phải lui nước xuống, để rồi hàng năm Thuỷ Tinh nhớ lại mối thù xưa dâng nước lên cao như muốn đòi lại Ngọc Hoa. Đây là chiến công đầu tiên chinh phục sông nước của cư dân Việt cổ- một chiến thắng thuyết phục, song chỉ xảy ra ở vùng trung du mà thôi. Đây là địa bàn cư trú của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương. Vậy mà lâu nay người ta cho rằng truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh phản ánh công cuộc trị thuỷ đắp đê của người Việt cổ! Làm gì có đắp đê ở đây, như sách Thuỷ kinh chú đã chép thì ruộng ở đây “theo nước triều lên xuống mà làm”, đê bao xuất hiện sau khi đã chinh phục lưu vực sông Hồng.
Sơn Tinh chiến thắng Thuỷ Tinh là khúc dạo đầu cho công cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng, nhưng vẫn chưa chinh phục và thuần phục được thế lực thuỷ. Đồng sáng tác ra Sơn Tinh - Thuỷ Tinh vẫn quy cho Thuỷ Tinh là một thế lực bất trị, là kẻ thù không đội trời chung, như câu ca vẫn lưu truyền: Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.
Trong tâm thức cư dân Việt cổ được phản ánh trong Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, như vẫn day dứt một mối thù với thuỷ nạn, bởi vì thế lực thuỷ với họ là quá tầm, hồng thuỷ vẫn là thứ giáng xuống bất cứ lúc nào, và sự khống chế thuỷ nạn là vô cùng khó khăn.
Với sự định đô ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) của Thục phán An Dương Vương, coi như công cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng trên cơ bản đã hoàn tất, cư dân Việt cổ hoàn toàn làm chủ vùng sông nước mênh mông và hung dữ này. Truyện An Dương Vương xây Thành ốc, hay chuyện Nỏ thần, ngoài các giá trị lịch sử như mọi người từng biết, thì tích truyện thông điệp với con cháu hậu thế rằng, cư dân thời An Dương Vương đã coi thế lực thuỷ như ân nhân của mình.
Tiêu biểu cho thế lực thuỷ là Rùa Vàng. Rùa Vàng đã bị chinh phục và giúp An Dương Vương xây đắp thành Cổ Loa giữa vùng sông nước một cách thắng lợi. Sau lại trút móng rùa thần cho An Dương Vương làm lẫy nỏ thần, bắn một phát bay hàng trăm mũi tên. Kết thúc truyện, Rùa Vàng rẽ nước, rước An Dương Vương vào thuỷ cung. Thế lực thuỷ ở đây đã bị khuất phục bởi con người làm nên sự nghiệp lớn và thuỷ chung với người. Điều này chỉ có thể giải thích được một cách rõ ràng và có sức thuyết phục, khi sang trang lịch sử rằng thuở An Dương Vương cư dân cổ đã tràn xuống khống chế thế lực thuỷ, làm chủ đồng bằng sông Hồng. Nhiều dấu tích văn hoá có tuổi hơn 2.000 năm vẫn liên tục bị khám phá trong lòng châu thổ, nơi có độ cao chừng 4 – 5m so với mực nước biển, như là chứng tích bất diệt của công cuộc chinh phục đồng bằng sông Hồng. Nếu như trong Sơn Tinh - Thuỷ Tinh thì thế lực thuỷ là kẻ thù muôn kiếp, thì trong Nỏ thần, thế lực thuỷ lại là cứu tinh, là ân nhân, là tận tình, tận nghĩa với người.
Ba tích chuyện vừa dẫn như 3 mốc lớn chứng minh rằng cư dân Việt cổ đứng trụ được - bắt đầu cuộc chinh phục và chinh phục hoàn toàn chiến thắng đồng bằng sông Hồng. Công cuộc ấy kéo dài gần trọn thiên niên kỷ I trước công nguyên, tức cách ngày nay gần 3.000 năm đến hơn 2000 năm trước. Nếu quy sang lịch sử như ghi chép của các bộ sử biên niên và của khảo cổ học là vào khoảng thế kỷ 7 – 8 trước công nguyên đến đầu thế kỷ 3 trước công nguyên.
Không hẳn là với An Dương Vương, mà là vào thời Hùng Vương, nhất là Hùng Vương thứ 18 (đời Vua Hùng liền trước An Dương Vương) cuộc chinh phục sông nước châu thổ đạt được thắng lợi đáng kính nể, biểu hiện ở tích truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, nàng công chúa này đã dòng thuyền xuống hạ lưu, quây màn tắm bên bãi sông và gặp chàng trai họ Chử, rồi họ lập nghiệp ở vùng sông nước mặc cho muôn vàn trở ngại. Nhưng ở tích truyện này thế lực thuỷ vẫn rất lớn, chỉ trong vòng một đêm nước đã chôn vùi cả cơ nghiệp của họ. Đó chính là đầm Dạ Trạch, nơi có một cơ ngơi nguy nga và cũng là nơi nước ngập tràn. Con người đã chiến thắng thủy và thất bại bởi thế lực thủy. Nhưng dầu sao cuộc thử sức của con người trong tích truyện này chứa đựng nhiều giá trị và kinh nghiệm chinh phục sông nước của cư dân cổ, và chiến thắng của con người vẫn có điều kiện và phập phù.
Vào thời điểm đó, còn có tích truyện Mai An Tiêm, ngoài các giá trị lịch sử và kinh tế với việc được giống dưa hấu, còn phản ánh cuộc chinh phục sông biển của cư dân cổ mà Mai An Tiêm là người đại diện. Trong Chử Đồng Tử - Tiên Dung vẫn có ánh xạ về sự nghiệp này, bằng chứng là các chuyến vượt biển của chàng trai vào tận núi Nam Giới (nay thuộc Thạch Hà – Hà Tĩnh) và lập Quỳnh Viên ở núi này, vẫn còn dấu tích.
Như vậy cư dân cổ đã lần lượt chinh phục đồng bằng sông Hồng và khống chế thế lực thủy một cách thắng lợi, để chung sống với nó và bắt thế lực thủy phục vụ làm lợi cho con người. Những con đê bao hai bên triền sông như chúng ta thấy nối dài thêm sự nghiệp trị thủy của người xưa, và ngày nay các nhà máy thủy điện khẳng định sự nghiệp của cư dân cổ thật là vĩ đại./.

Một chiều gược gió



Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh
Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về..nông nổi
Lãng du đi vô định cánh chim trời.

Em ngược thời gian, em ngược không gian
Ngược đời thường bon chen…tìm về mê đắm
Ngược trái tim tự bao đời chai lặng
Em đánh thức nỗi buồn….em gợi khát khao xanh.

Mang bao điều em muốn nói cùng anh
Chợt sững lại trước cây mùa trút lá
Trái đất sẽ thế nào khi màu xanh không còn nữa
Và sẽ thế nào khi trong anh… không em?

Em trở về.. trong im lặng của đêm
Chẳng còn nữa, người đông và bụi đỏ
Phố bỗng buồn tênh..bờ vai hút gió
Riêng chiều nay..em biết..một mình em

                                                Bùi Sim Sim


Có lẽ đó sẽ là một buổi chiều phẳng lặng, mọi thứ đều đứng giữa cái ranh giới mơ hồ của nó. Nắng không chói chang mà cũng chẳng hề yếu ớt, gió không gắng sức mình cuốn trôi em mà cũng không hờ hững thổi qua một cách vô tình. Đó sẽ là một buổi chiều trung lập, điều gì cũng nửa có nửa không, và em cũng nửa bước nửa ngừng. Chân vẫn không thôi bước tiếp nhưng lòng vẫn lặng đi tại chính khoảnh khắc ấy thôi. Và chẳng cần biết liệu tóc em có đủ dài, và tà áo em mặc có thướt tha không, nhưng gió vẫn cứ miệt mài thổi tung bay chúng. Trong em khi ấy có thể chẳng có suy ngẫm gì, cũng có thể còn nhiều điều chưa thấu. Chẳng thể nói trước được điều gì, chỉ biết chắc một điều rằng, em đang đi ngược lại chiều cơn gió. Em và gió- cứ như hai người không quá thân thiết mà cũng chẳng hề xa lạ đang cố bước qua nhau mà vẫn đầy luyến tiếc.
Sẽ có những buổi chiều như thế, những buổi chiều im lặng ngắm nhìn cuộc đời, ngắm nhìn chính em, những buổi chiều giông bão đang nổi lên phía bên trong vẻ ngoài tĩnh lặng,… Sẽ có những buổi chiều không tên như thế, những chiều đi ngược lòng mình, đi ngược dòng đời, đi ngược làn gió thổi. Và người ta ưu ái trao tặng nó một cái tên nghe thật mỹ miều: những chiều ngược gió.
Có khi nào em mong muốn cuộc đời mình trọn vẹn như một vòng tròn, không rõ điểm bắt đầu cũng không biết đâu mới là kết thúc? Và dù có xoay ngược xoay xuôi, em vẫn cứ là em, không một lần thay đổi?
Có muốn thử dù chỉ một lần không em? Những chiều ngược gió, ngược dòng đời và ngược lòng mình để sống khác với những ngày đã qua?
Trong em liệu có khi nào từng một lần nổi loạn? Muốn sống một cuộc sống khác lạ mà em vẫn ngắm nhìn, muốn trở thành một người khác với em của hiện tại, và cả em của ngày hôm qua? Đã từng khi nào những nhịp đập dịu dàng của biển hồ trong em muốn thử một lần dậy sóng? Muốn làm một con sóng thần ôm trọn mọi thứ chẳng thuộc về mình vào lòng, muốn được một lần tràn bờ, một lần được trở nên dữ dội?
Chắc là sẽ có những lúc như thế, những khi em muốn được là tâm điểm của mọi ánh nhìn, những khi mong mỏi được sống như những điều em tưởng tượng, muốn trở thành một nhân vật trong tiểu thuyết hay một thước phim mà em vẫn từng ngưỡng mộ. Và hơn hết, là muốn xa lạ với chính em của khoảng khắc này. Dù em mong muốn nổi loạn đến mức muốn cắt phăng mái tóc dài để tạo một kiểu tóc kì quái rồi nhuộm chúng thành màu hồng, màu vàng hay xanh lá cây chẳng hạn, rồi làm siêu nhân bay xuống từ trên đỉnh của tòa nhà cao nhất. Hay chỉ là những điều “điên rồ bé nhỏ” như nhảy nhót và hét toáng lên giữa phố xá đông người những điều em ấm ức, ném bay đi đống bài tập và deadline công việc ngập đầu của em, lấy hết số tiền từ mọi nguồn em có và trốn đi phượt một mình, hoặc cũng có thể là thử một lần tỏ ra ngoan ngoãn và trầm lặng, một lần chăm chú nhổ từng sợi tóc sâu cho mẹ- những việc mà em chưa từng, thì quy chung lại, tất cả những điều đó hay nhiều điều khác nữa, vẫn chỉ là em đang muốn được một lần ngược gió, được khác mình, và khác người, được là em mà em mong ước.
Nên hay không những ngày như thế? Những ngày bước thật chậm ngắm nhìn cuộc sống bao la từ một lăng kính khác, để thấy rằng cuộc đời tươi đẹp mà cũng đầy lam lũ hơn em tưởng tượng rất nhiều? Những ngày dậy sóng cuộc đời để dòng sông nhỏ là em trở thành biển lớn? Những ngày em tự nổi loạn với mình? Có chứ em, đó là những khi ta biết sơn mình bằng một màu sơn khác. Bảy tỉ người trên cái thế giới này, nếu như đều cùng trọn cho mình một màu sơn y hệt, và cố nén trong lòng, cố giấu đi những sắc màu của bản thân đang cựa quậy muốn vỡ tung thì chẳng phải quá nhàm chán hay sao? Hiệu ứng đám đông là một điều đáng sợ vô cùng. Ta sẽ làm những gì người ta làm, và im lặng khi người ta không lên tiếng. Cuộc sống như vậy có quá nhạt nhẽo không em? Sao ta không tự làm mới chính mình, mà cả đời chỉ sống với một gam màu cũ kỹ?
Giữa cả một rừng người bao la, người được chọn luôn là người tạo ra khác biệt. Em có thấy lạ không, khi những cánh diều bằng giấy mỏng manh lại có thể lướt đi trên bầu trời cao rộng ấy? Chính là vì nó biết ngược gió để bay lên. Vậy thì em, còn đợi gì nữa mà không tự mình ngược gió, để cho mình bay lên mà không cần chờ đợi thiên thần trao tặng cho mình đôi cánh. Hay ít ra cũng là thử một chiều ngược gió để thấy mình khác hơn, và thấy mình mới hơn.
Nếu sợ ánh mắt của người đời vừa ngắm nhìn vừa bình phẩm về những con người lội ngược dòng như thế, thì em đừng làm một chú chim bình thường cố bay ngược chiều với gió. Muốn được ngược gió, hãy làm một con chim báo bão đi. Vừa được thỏa lòng mình, lại vừa giúp ích cho chính cuộc sống này. Hãy cứ sống thế đi, còn điều gì mà phải ngại ngần nữa? Cứ bay đi trong chênh vênh như là em muốn, rồi khi nào không thể tiếp tục sải đôi cánh trong tự do, thì nơi nào em rơi xuống chính là nơi bình yên nhất trong cuộc đời. Hay sống như một con chim đại bàng cũng được. Không giống như những loài chim khác núp mình trong cơn mưa gió, nó tránh bão bằng cách bay vượt lên trên những tầng mây. Cứ giống vậy mà ngược gió và ngược dòng đời đi nhé, để thấy cuộc sống này là những hương sắc mới. Và để hiểu được thế nào là sống một cách trọn vẹn hơn
Nhưng nếu không đủ sức để bay lên như thế, hoặc sợ hãi đi ngược dòng gió cuốn mình sẽ tan biến như bong bóng xà phòng thì em cũng hãy tìm một buổi chiều nhiều gió, và bước đi không theo chiều gió thổi. Cứ thả tung mái tóc của mình ra, cho những cơn gió đùa nghịch và làm tóc em rối tung. Bước đi thật chậm thôi, để gió cuốn đi những trĩu nặng trong lòng. Nhớ ngắm nhìn cuộc đời bằng ánh mắt dịu dàng nhất em nhé, thả tâm tư của mình trôi theo gió, và những điều đọng lại chỉ nên là những thương yêu. Vì ít ra nếu không thể ngược gió và vút bay, thì cũng hãy cứ đi ngược chiều gió để tâm hồn mình dịu mát. Để biết yêu và biết sống hơn.
“Em ngược thời gian, em ngược không gian
Ngược đời thường bon chen tìm về mê đắm
Ngược trái tim tự bao giờ chai lặng
Em đánh thức nỗi buồn, em gợi khát khao xanh”
Đâu ai hay biết sau “ngược đường, ngược nắng”, “ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi” sẽ là bến bờ nào cho ta dừng lại. Nhưng dù thế nào đi nữa, cũng hãy một lần thử ngược lại lòng mình, ngược lại dòng đời như thế. Chẳng cần biết kết quả sẽ chỉ là một con số không tròn trĩnh hay một kết thúc đẹp như mơ, nhưng sẽ là cả một sự nuối tiếc kéo dài nếu như ta sống nhưng lại chẳng sống hết mình. Dù sao thì, cứ thử đi, thử một lần thả lòng mình trôi ngược đường với gió, coi đó như là một món quà ta tự ban tặng cho mình. Vì như vậy nghĩa là ta đang sống thực sự với từng ngày ta có, và đang yêu thương chính cuộc sống của mình.




1234 Next

LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT

Label 1

TRƯỜNG PHÁI

CÁC NHÀ KINH TẾ

See all posts

bottom content 1

See all post

Label 7

See all post

Label 8

See all videos

The History Economics

See all posts

bottom content 2

 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. Xã Ứng Hòe Ninh Giang Hải Dương - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Học thuyết kinh tế
Copyright © 2013. Xã Ứng Hòe Ninh Giang Hải Dương - All Rights Reserved